Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

BẠN PHÙ HỢP NGHỀ GÌ?

Khi bạn chọn lựa bất kỳ 1 sản phẩm, 1 dịch vụ hay 1 điều gì đó, bên cạnh nhiều yếu tố khác nhau thì sự phù hợp là cần thiết. Bạn đang còn là học sinh hoặc đang chuẩn bị xong THPT, thì việc chọn ngành, nghề để học rất quan trọng.

Vậy, bạn cần lưu ý những gì để chọn được nghề phù hợp với chính bạn?

1. Dùng các công cụ để hỗ trợ thực hiện những bài trắc nghiệm. Hiện nay, có rất nhiều bài trắc nghiệm về tính cách, về nghề nghiệp. Khi thực hiện những bài trắc nghiệm này, bạn có thể phần nào có thêm thông tin và biết được bạn phù hợp với nghề nghiệp trong lĩnh vực nào. Với Internet và Google, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm và thực hiện được việc này.

2. Xác định năng lực học tập. Năng lực học tập của bạn như thế nào? Chính bạn là người hiểu rõ nhất. Đó không hẳn chỉ là điểm số. Nhiều nghề cần đến khả năng tư duy, tố chất về nghệ thuật. Vậy, bạn có điều này không? Việc học sau THPT cũng không chỉ là học thuộc lòng mà còn là học để áp dụng, vận dụng vào thực tế.

3. Tìm hiểu nhu cầu xã hội. Bạn cần quan tâm để nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, tập đoàn. Đâu là những nghề sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần? Nhóm nghề nào cần rất nhiều nhân lực trong thời gian đến? Khi đã xác định được việc này, bạn lại tiếp tục tìm hiểu xem có phù hợp với bạn hay không, trước khi chọn học.

4. Tự khám phá, trải nghiệm thực tế. Để chọn nghề, bạn cần nhìn lại, bạn có thích tìm hiểu, khám phá những công việc liên quan đến nghề hay không. Nhiều trường Đại học, Cao đẳng luôn mở cửa để chào đón các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Bạn nên tham gia để có thông tin, hình ảnh,…cụ thể, rõ ràng.

5. Thu thập thông tin từ Website, Facebook. Hầu hết các trường đều có thông tin cập nhật, hình ảnh rõ đẹp, Video Clip ngắn về nghề đào tạo. Và, đây chính là những kênh thông tin mà bạn không nên bỏ qua nếu muốn tìm hiểu về nghề để học và làm việc sau này.

6. Lắng nghe từ người đi trước. Ba mẹ, thầy cô, anh chị đã học nghề này,…chính là những người mà bạn không chỉ nghe, mà còn lắng nghe để có thêm thông tin. Người đi trước, với góc nhìn đa chiều và những trải nghiệm thực tế đã có, sẽ hỗ trợ bạn tiếp bước vững chắc trên con đường học tập.

7. Quan đến đến hoàn cảnh, tài chính. Khi bạn học tiếp, bạn cần quan tâm đến hoàn cảnh của bạn, của gia đình. Luôn có những khó khăn nhất định và bạn cần cân nhắc. Nếu như bạn cứ khăng khăng phải học 1 trường mà học phí quá cao, thì cũng sẽ gây khó khăn cho chính gia đình bạn. Học ở các thành phố lớn, chi phí cũng rất cao.

8. Hiểu bản thân. Chính bạn là người hiểu bạn rõ nhất. Bạn hiểu bạn, hiểu nghề thì lựa chọn của bạn sẽ đúng. Chọn nghề không nên nghe theo bạn bè vì sẽ không phù hợp.

9. Lựa chọn bậc học. Có rất nhiều bậc học và bạn cũng có thể học trung cấp, cao đẳng. Sau đó, bạn liên thông lên Đại học nếu thấy cần thiết. Không nên ép chính bạn phải vào Đại học bằng mọi giá. Chọn đại và “Học đại” sẽ khó mà thành công.

10. Quyết định. Sau khi đã có thông tin, bạn chính là người quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm với quyết định ấy.

Tất cả đều liên quan đến sự phù hợp. Nếu phù hợp, bạn sẽ có niềm vui, học tốt, thành công đến với bạn trong tương lai.


Bạn xem Video Clip tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét